Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật Tuần XVI Mùa Thường Niên - Năm B (Mc 6,30-34) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
CHÚA NHẬT TUẦN XVI MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B
TIN MỪNG: Mc 6,30-34

Noel Quesson - Chú Giải

Các tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu.

Đây là lần đầu tiên và lần duy nhất, Mác-cô gọi các môn đệ là "Tông đồ" ("apostoloi", có nghĩa là "những kẻ được sai đi"). Chúa nhật vừa qua, chúng ta đã nghe Đức Giêsu dặn dò các Tông đồ, khi sai các ông lên đường. Các ông đã sống một ít ngày, không biết mấy ngày, từng hai người một nhưng không có Người. Các ông trở về sau một cuộc truyền giáo. Cá ông đã cảm nghiệm được sức mạnh của Tin Mừng, nhưng chắc hẳn các ông cũng đã có kinh nghiệm về sự chống đối, khước từ, lãnh đạm. Và đoạn Tin Mừng này cho thấy các ông rất mệt mỏi. Cần sự nghỉ ngơi.

Vào thời đó, người ta chỉ đi bộ... biết bao là cây số. Vậy trong thời gian đó, khi ở lại một mình, Đức Giêsu đã làm.

Và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã giảng dạy.

Đó là giờ “báo cáo". Hành động rồi xét lại hành động đó để hiểu nó hơn trong đức tin và để làm tốt hơn trong những lần sau. Ngày nay người ta thường tụ họp nhau lại. Người ta quen làm việc theo nhóm, trong sinh hoạt học đường, nghề nghiệp, nghiên cứu: Các Hiệp hội, nghiệp đoàn, ủy ban đủ loại, thường triệu tập thành viên của mình để góp chung ý kiến, dự thảo các dự án. Ngày nay, người ta nói nhiều về "thảo luận", "đối thoại". Đó là một phần thuộc bản chất con người. Một lần nữa chúng ta Thán thấy, Đức Giêsu đã hoàn toàn hòa nhập vào bản chất sâu xa của con người; Sống trong tương quan và góp phần với người khác. Ngày nay nhiều Kitô hữu đã hiểu rằng, đức tin của họ sẽ mạnh hơn biết bao, nếu họ liên kết với những người anh em khác để giải thích và chia sẻ Tin Mừng. Đó là mục đích của việc họp mừng Thánh Thể mỗi Chúa nhật. Sau một tuần thi hành sứ vụ, người Kitô hữu "trở về" với Đức Giêsu. Tôi có điều gì để nói với Chúa không? Tôi có cầu nguyện với Người về cuộc sống của tôi trong tuần qua không?

Mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã giảng dạy.

Thánh Mác-cô tóm lại tất cả sứ vụ của các Tông đồ trong hai bình diện "làm" và "nói". Đó cũng là đặc điểm hoạt động của Đức Giêsu: Những hành vi xót thương, giảng dạy. Đức Giêsu và các tông đồ đều là những người thợ cùng làm một công việc.

Người bảo các ông: "Anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút". Quả thế kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, các ngài xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.

Đức Giêsu cũng "nghỉ mát". Đức Giêsu đề nghị với các bạn của Người, đang quá mệt mỏi vì công việc, hãy dành một thời gian để nghỉ ngơi thư giãn. Quá tải, căng thẳng thần kinh mà ngày nay người ta gọi là "Stress" có hại cho công việc Tông đồ cũng như các công việc khác. Đức Giêsu muốn cho mọi người nam cũng như nữ được quân bình, thanh tĩnh, ổn định. Đó là nhu cầu thinh lặng, cô tịch, tránh xa đám đông. Đó là điều cần thiết cho con người mọi thời, đặc biệt cho con người thời nay, có thể dễ bị bệnh nhồi máu cơ tim do sự biến động trong các thành phố.

Trong một tuần lễ, một ngày sống, tôi có tự ý dành một khoảng thời gian để sống thinh lặng cô tịch không? Tôi phải qua những kỳ nghỉ nào?

Đây không phải là lần duy nhất Máccô cho chúng ta biết Đức Giêsu thích sự cô tịch và tránh xa đám đông. Đức Giêsu còn biết chọn những nơi hiện diện: "Một ngọn núi cao riêng biệt" (Mc 9,2). Những bờ dốc thẳng bao quanh hồ phía đồi Gôlăng (Mc 5,1) những bãi biển Phêmxi xứ Syria hay xứ Libăng (Mc 7,24-31) đôi bờ của con thác miền núi gần nguồn sông Giođan dưới chân núi Héc-mon (Mc 8,27).

Đến nơi thanh vắng trong sự cô tịch, anh em hãy nghỉ ngơi.

Đức Giêsu khích lệ các Tông đồ đi đến một nơi thanh vắng yên tĩnh. Đời sống nội tâm đòi buộc phải suy niệm. Sự náo động bên ngoài chỉ đưa đến phiến diện bề ngoài. Không có một công trình vĩ đại nào của con người được thực hiện mà lại không có sự tập trung cao độ, cố gắng yên tĩnh và tự chủ. Bất cứ một cuộc sống đúng đắn nào của con người cũng phải trải qua từ giai đoạn hoạt động “bên ngoài" đến những giai đoạn suy tư "bên trong"- Xem. Xét Làm. Xem lại, xét lại, làm lại. Điều này lại càng đúng với đời sống Kitô hữu: Không có cuộc sống Kitô hữu nào vững chắc và sâu xa mà lại không thể hiện hai nhịp sau: Sống "nội tâm" và hoạt động "bên ngoài". Tôi có dành thời gian để suy niệm không? Thời gian tôi dành cho sự cầu nguyện trong khoảng 24 giờ là bao nhiêu? Tôi có sự thinh lặng, cô tịch không? Tôi có quen vặn rađiô hay tivi để lấp đầy khoảng trống thời gian của tôi không? Còn những Chúa nhật của tôi ra sao? Có phải là ngày Sa-bát, ngày nghỉ ngơi không?

Thấy các ngài ra đi nhiều người hiểu ý các ngài, nên từ khắp thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi trước các ngài. Bước lên bờ, Đức Giêsu thấy đông đảo dân chúng.

Ở đây Đức Giêsu và các môn đệ dường như đang chơi trò "ù tìm" hay "cút bắt" với đám đông. Nhưng không có cách nào trốn được. Người ta muốn trốn đám đông Nhưng người ta cũng phải lo cho đám đông đó. Người ta muốn trốn để nghỉ ngơi, tránh sự quá tải đến nỗi không có thời giờ để ăn. Người ta sắp xếp để rút êm, nhưng đám đông đã ở đó trước. Phản ứng của Đức Giêsu trước sự bất ngờ trái ý, làm xáo trộn chương trình của Người thế nào?

Đức Giêsu thấy đông đảo dân chúng thì chạnh lòng thương.

Lạy Chúa, người ta nhận biết rõ Chúa nhờ điểm đó. Trước tiên, con muốn dành thời giờ để tưởng tượng phản ứng của Chúa. Chúa bước lên bờ. Đám đông đang ở trên bãi biển-Đám đông chạy ùa đến với Chúa. Thay vì bực mình, lạy Chúa, Chúa đã tiếp đón họ. Sự cô tịch, nghỉ ngơi được dời lại vào một lần khác. Trước những trường hợp cấp bách, Chúa cũng phải thay đổi chương trình của Người. Người đã đáp lại lời mời gọi của kẻ khác. Biết bao bà mẹ muốn nghỉ ngơi mà không được. Lạy Chúa, Chúa đã trải qua kinh nghiệm này. Tình yêu là thế. Làm những gì mà người ta "có lẽ không muốn", làm những gì "phải làm", những việc "đang ở đó", "Kẻ nào muốn làm môn đệ Tôi, hãy khước từ chính bản thân mình và hãy theo Tôi" (Mc 8,34), Kẻ nào liều mất mạng sống của mình, sẽ được sống" (Mc 8,35). Thua mất! Chúa đã thua mất. Người đòi hỏi chúng ta hãy làm như Người; Thua mất vì tình yêu.

Người chạnh lòng thương.

Cảm xúc này đã biểu lộ trên gương mặt, trong cử chỉ của đôi-tay, trên môi, trên mắt, trong giọng nói của Đức Giêsu thế nào?

Đức Giêsu nhìn đám đông cách trìu mến, đám đông đó là hình ảnh thế gian qua mọi thời đại. Vào lúc này đây, lạy Chúa, con tin rằng Chúa vẫn tiếp tục nhìn thế giới của chúng con hôm nay với cái nhìn "trắc ẩn" như thế? Còn tôi? Cái nhìn của tôi trên đám đông như thế nào?

Vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.

Hình ảnh đẹp làm sao! Chiên không người chăn! Thật là hỗn độn? Phải làm gì bây giờ? Mối tương quan giữa Chúa và dân Người đã không ngớt được mô tả dưới biểu tượng này. Sự ra khỏi Ai Cập đã do Giavê dẫn dắt như một người chăn chiên dắt đoàn chiên vào sa mạc (Xh 15,13). Môisen lúc chết đã lo lắng cho dân ít-ra-en "như chiên không có chủ chăn (Ds 27,17). Trong bài đọc thứ nhất của Chúa nhật này, Giêrêmia cho thấy dân chúng được giao cho những kẻ chăn chiên xấu, họ để chiên bị chết và tản mát trong đồng cỏ của Chúa (Gr 23,1-6). Chúa nhật này, chúng ta hát lên Thánh Vịnh 22; "Chúa là Mục tử chăn dắt tôi, tôi còn thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người cho tôi ngơi nghỉ". Chính Đức Giêsu cũng đã dùng lại hình ảnh này: "Ta sẽ đánh người chăn chiên và các chiên sẽ bị tản mác" (Mc 14,27). Người xác quyết mình được sai đến với nhung con chiên lạc" (Lc 19,10- 15,4-7). Người là Mục tử nhân lành (Ga 10).

Ơ đây Đức Giêsu xử sự như Đấng Mêsia đã được Thiên Chúa hứa. Và chúng ta có thể nói, Người thay cho Thiên Chúa: Đó là Thiên Chúa- Mục tử của dân ít-ra-en.

“Những con chiên không người chăn". Đó là hình ảnh của thế giới qua mọi thời đại, đó cũng là hình ảnh của thời đại chúng ta. Như vậy phải chăng có ý nói rằng thế giới đang rơi vào hỗn loạn? Chúng ta biết rằng có những vị thủ lãnh, những người lãnh đạo dân chúng xuất hiện và tự cho mình là người hướng dẫn quần chúng. Người ta đang tìm Đấng "Chúa hứa ban". Nhưng thường thì sau một thời gian hy vọng, lại thấy sự áp bức, thối nát tham nhũng tái diễn. Biết bao quốc gia trên hành tinh chúng ta hiện nay có thể chế dân chủ tự do, nhưng cũng biết bao nước khác đang phải chịu những chế độ độc tài, với kỷ luật khắt khe, chỉ nô lệ hóa lương tâm con người và bắt những đầu óc tự do phải câm lặng.

Chúa Giêsu đã đến trong một thế giới như thế. Quốc gia lúc bấy giờ là đế quốc La Mã. Quân đội chiếm đóng đã áp đặt trên dân chúng mót chính sách nặng nề.

“Chiên không có chủ chăn": Đó là một nhân loại mất phương hướng, không biết tìm đâu ra ý nghĩa cuộc sống của mình. Ai sẽ cho chúng ta thưởng nếm hương vị của đồng cỏ xanh tươi?

Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

Việc đầu tiên Đức Giêsu giúp cho những đám đông mất phương hướng đó, là "Phục vụ Lời Chúa". Một lần nữa Máccô không nói cho chúng ta biết nội dung của giáo huấn trên. Ông chỉ muốn gợi ý cho chúng biết rằng: Nội dung đó chính là con người Đức Giêsu.

Lạy Chúa, con đang lắng nghe. Xin Chúa hãy nói nhiều hơn…

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

"Họ như đàn chiên không người chăn"

BÀI TIN MỪNG: Mc 6, 30-34

I. Ý CHÍNH:

Lòng yêu thương nhân lành của Chúa Giêsu, vị Tông đồ kiểu mẫu, đã được biểu lộ qua cử chỉ săn đón các tông đồ đi truyền giáo trở về và qua lòng trắc ẩn xót thương đối với đám dân chúng theo Người.

III. SUY NIỆM:

1/ " Khi ấy các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu "

Sau thời gian được sai đi làm công tác truyền giáo (Mc 6, 7-13) nay các tông đồ trở về. Thầy trò bên nhau, tay bắt mặt mừng.

* " Và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy ":

Những công việc các ông đã làm: trừ quỷ và chữa lành các bệnh tật, những việc các ông đã giảng dạy là rao giảng sự sám hối (Mc 6, 7 - 11).

Đây cũng chính là hai công việc đã được mô tả trong hoạt động của Chúa Giêsu ngay từ lần Người can thiệp công khai đầu tiên (Mc 1, 21 - 27 Người giảng dạy và đuổi quỷ). Vì vậy, ở đây cho ta thấy sứ vụ của các tông đồ được đồng hóa với sứ vụ của Chúa Giêsu, nghĩa là công việc của Chúa Giêsu phải được tiếp tục trong công việc của các tông đồ. Nhờ thế tất cả mới hiểu tại sao các tông đồ " Thuật lại với Người mọi việc ".

3/ " Người liền bảo các ông: các con hãy vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút ".

Điều này nhấn mạnh rằng Chúa muốn bảo các tông đồ sống riêng với Người xa hẳn đám dân chúng để có bầu khí tương giao mật thiết hơn với Người và với nhau. Điều này cũng được biểu lộ khi Chúa Giêsu chọn các tông đồ " để họ ở với ngài " Trước khi sai họ đi giảng (Mc 3, 14) và ngay sau khi đã truyền giáo về, Người cũng muốn đem các ông đi nghỉ ngơi với Người.

Đàng khác điều này cũng ngụ ý rằng Chúa Giêsu ao ước cho các tông đồ được có cùng một nhịp điệu hoạt động công khai và sống cô tịnh như Người (Lc 1, 35, 45; 6, 46; 9,2).

Ngoài ra, ở đây cũng thấy Chúa Giêsu không đề cập tới công việc của các tông đồ, nhưng Người lại lưu ý riêng đến chính bản thân các ông. " Các con hãy nghỉ ngơi một chút " chứng tỏ rằng Người săn sóc cách riêng đến chính bản thân cộng sự viên của mình.

4/ " Vì lúc ấy kẻ đến người đi tấp nập đến nỗi...":

Sở dĩ dân chúng đi lại tấp nập là vì sắp đến lễ vượt qua (Ga 6, 4 - 10) nên dân chúng đi lại đông hơn.

Chuyến công tác truyền giáo của các tông đồ xem ra có kết quả tốt, nên dân chúng tuôn đến với Chúa Giêsu để nghe Người.

Chúa Giêsu có sức thu hút dân chúng đặc biệt (Mc 1, 23) nên họ từ khắp nơi tuôn đến, đông đến nỗi ngăn trở Người và các tông đồ dùng bữa (Mc 2, 2 - 13; 3, 7 - 9; 5, 21 - 24; 6, 54 - 56; 9, 15; 10, 1 - 4b) vì vậy ở đây cho chúng ta thấy hiệu quả đích thực của việc tông đồ là làm cho người ta thao thức đến với Chúa và gặp được Người.

5/ "Vậy các ngài xuống thuyền chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh":

Ý định của Chúa Giêsu là muốn có bầu khí yên tĩnh, tránh xa sự ồn ào... để Thầy trò sống thân mật và trao đổi tâm sự với nhau nhất là để Thầy có thể nói dễ dàng với các tông đồ. Vì vậy các ngài mới chèo thuyền đến một nơi vắng vẻ. Một nơi tách xa khỏi đám đông dân chúng đang ồn ào.

6/ "Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý":

Tuy vậy, dân chúng nhìn hướng nên đoán trước được thuyền của các ngài định đi đâu. Từ Capharnaum đến miền lân cận Betsaiđa và Giulia xa chừng độ 10 km, dân chúng không quản ngại quốc bộ, nên họ đến trước Chúa Giêsu. Ở đây cho ta thấy: đã thích, đã muốn, đã ưng ý thì ở đâu người ta cũng tìm đến được.

7/ "Lúc ra khỏi thuyền Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương…":

+ Thấy dân chúng thật đông: dù đã tránh đi nơi vắng vẻ, nhưng dân chúng vẫn kéo đến đông, điều này chứng tỏ dân chúng rất tha thiết với Chúa, và chính sự tha thiết này đã đánh động lòng trắc ẩn của Chúa.

+ Thì động lòng thương: gợi lên một tâm tình sâu xa bắt nguồn từ đáy lòng và diễn tả ra bằng hành vi bên ngoài.

Ở đây diễn tả lòng thương xót của Chúa Giêsu đối với đám đông dân chún. Tâm tình thương xót này Chúa Giêsu thường tỏ lộ trong khi Người đi rao giảng ơn cứu độ của Người. Vì lòng thương Người đã:

- Chữa lành hai người mù (Mt 20, 34)

- Trả lại đứa con cho bà goá Naim (Lc 7, 13)

- Trả lại sức khoẻ cho đứa con của một người cha nại đến lòng Người thương xót (Mc 9, 22).

Chính lòng thương xót này của Chúa Giêsu là dấu chỉ của ơn cứu rỗi tiên hứa mà người ta đã chờ đợi từ lòng nhân ái của Thiên Chúa (Lc 1, 78; Ga 5, 11).

+ Vì họ như đàn chiên không người chăn: hình ảnh này đã được nói trong Cựu ước:

* Ds 27, 17: sự đáng thương của dân Chúa thiếu thủ lãnh.

* 1V 22, 17; 2 Sbn 18, 16: dân bị phó mặc cho quân thù.

* Dcr 10, 2 - 3: dân bị vua chúa bỏ rơi.

Trong Cựu ước những người có bổn phận phải dạy dỗ dân là những vị thuộc hàng tư tế, những vị tiến sĩ luật, song các ông đã biếng nhác sao lãng bổn phận vì phần đông chỉ lo tìm tư lợi.

Hình này gợi lên nhu cầu cấp bách của vị tông đồ truyền giáo.

+ Và Người dạy dỗ họ nhiều điều: ở đây thánh Máccô chỉ nói trống " Người dạy dỗ nhiều điều " mà không xác định Người đã dạy gì. Nhưng thánh Luca có ghi rõ (Lc 9, 10-11): Ngài tiếp đón họ, nói cho họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được cứu chữa. Chính việc giảng dạy " Nhiều điều này " đã chứng thực lòng thương xót của Thiên Chúa.

III. ÁP DỤNG:

A/ Áp dụng theo Tin Mừng:

Qua bài Tin Mừng hôm nay, phụng vụ muốn nêu cao lòng thương xót của Thiên Chúa để, một đàng cho chúng ta tín nhiệm vào Ngài, đàng khác để nêu gương cho những người sống đời tông đồ cũng phải thể hiện lòng thương xót qua công việc tông đồ của mình.

B/ Áp dụng thực hành:

1/ Nhìn vào Chúa Giêsu:

+ Chăm sóc cho các tông đồ: lo đến sức khoẻ tinh thần và thể xác cho các tông đồ trước khi nghĩ đến các thành quả của việc tông đồ.

+ Động lòng trắc ẩn đối với dân chúng: nhận ra nhu cầu " đói " của ăn nơi dân chúng, Chúa Giêsu đã từ bỏ ý riêng " Đi ở riêng với các tông đồ " để lo giảng dạy cho dân chúng. Trong công việc tông đồ của chúng ta cũng cần phải biết hy sinh ý riêng, việc riêng để lo cho việc chung, lo cho phần rỗi các linh hồn.

+ Khi truyền cho các tông đồ vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút, Chúa muốn các tông đồ phải có thời gian tĩnh dưỡng tinh thần. Đòi hỏi người tông đồ phải có thời gian tĩnh dưỡng đó là thời gian tĩnh tâm cầu nguyện và thẩm định lại những biến cố, những công việc đã sống và đã làm.

2/ Nhìn vào các tông đồ:

+ Các tông đồ đi làm công tác truyền giáo mặc dầu các ông chưa đủ khả năng (chỉ có sau lễ ngũ tuần) vì các ông còn đang chậm hiểu (Mc 6, 52; 7, 18; 17-21). Việc tông đồ không chờ đợi đầy đủ khả năng phương tiện, nhưng đòi hỏi phải thực hiện ngay khi có bao nhiêu làm bấy nhiêu.

+ Các tông đồ trở về tường trình với Chúa mọi việc: chúng ta cũng phải tường trình với Chúa trong những buổi tĩnh tâm, những giờ cầu nguyện, xét mình về đời sống tinh thần và công việc của mình.

+ Các tông đồ đã giảng dạy về sự sám hối, chúng ta cũng giúp cho người ta biết hoán cải, xưng tội, xét mình... bằng gương sáng, thăm viếng hay khuyên nhủ, dạy dỗ, phục vụ...

Các tông đồ chữa lành bệnh nhân: chúng ta giúp cho tha nhân thăng tiến bản thân bằng việc từ bỏ lỗi lầm, khuyết điểm và tập luyện những đức tính tốt, việc tốt...

3/ Nhìn vào đám dân chúng:

Biết tỏ lòng khao khát Chúa bằng cử chỉ tha thiết đi tìm Chúa, lắng nghe Chúa giảng dạy, ở lại với Chúa trong những việc đạo đức.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.